Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]



Tác Giả





Lê Văn Khoa



LIÊN LẠC

[email protected]


 




Tại sao tôi cho ra đời


Lê Văn Khoa




Mục đích: Phong phú hóa nhạc Việt

Từ ngày còn trẻ tôi tâm niệm sẽ tiếp tay người đi trước để phong phú hóa nhạc Việt bằng thể nhạc khác hơn ca khúc phổ thông. Đó là nhạc đại hợp ca và hòa tấu. Vì loại nhạc này không phải là nhạc phổ thông nên ít được đại chúng chú ý và ủng hộ, do đó việc viết nhạc rất cam khổ và làm việc trong cô đơn.

Nói đến thể nhạc lớn ta thử nhìn qua các quốc gia láng giềng như Trung Hoa chẳng hạn, đã có dàn nhạc giao hưởng cách nay 100 năm - trước Đệ Nhất Thế Chiến. Nhạc sử thế giới có ghi tên nhà viết nhạc Trung Hoa, ghi sự đóng góp bằng nét nhạc độc đáo của họ. Nhiều phim điện ảnh ngày nay do nhạc sĩ Trung Hoa viết nhạc.

Nhật Bản có nhiều người viết nhạc giao hưởng được các dàn nhạc danh tiếng thế giới trình diễn và thu thanh.

Việt Nam thì sao?

Đến nay mới có vài tên tuổi xuất hiện và có lẽ phải còn rất lâu mới được thế giới công nhận. Những người nàỵ lấy gì để sống, để tiếp tục sáng tác? Không được nhà nước đãi ngộ như Phần Lan, Na Uy và không được đại chúng hỗ trợ, một số phải quay qua viết ca khúc phổ thông để nổi tiếng và có tiền sau đó. Những người không muốn viết ca khúc phổ thông đành im lặng và chìm vào quên lãng.

Cá nhân tôi cố gắng trong âm thầm đeo đuổi ý tưởng của mình từ hơn 50 năm qua.

Tại sao tôi viết nhạc như tôi viết?

1. Nói lên tiếng lòng bằng âm thanh.

Chopin đã từng nói với cha mình: “Thưa cha, nếu cha cho phép con nói với cha bằng âm nhạc, con sẽ nõi rõ tình yêu của con với cha hơn là ngôn từ.”

Nhiều khi âm nhạc nói lên được những tha thiết, những rung động sâu xa mà lời nói khó diễn tả được. Từ thế kỷ thứ 19, người viết nhạc đi sâu vào tâm thức và diễn tả sự vô hình, kỳ bí bằng âm nhạc.

Cũng từ thời điểm đó người viết nhạc muốn người nghe nhận ra nguồn gốc của tiếng nhạc mà họ đón nhận, nên họ cho âm thanh hoặc truyện tích của dân tộc họ vào bài nhạcỉ, do đó tinh thần quốc gia trong âm nhạc bùng nổ khắp nơi. Trường phái Nationalist thành hình. Chopin, Liszt, Brahm, Moussorky, Tchaikhowsky, Sibelius, Grieg, Batók v.v… đưa nét nhạc dân tộc trải rộng khắp nơi. Điều quan trọng là mình nói mà người khác hiểu được, thông cảm được. Họ nói bằng tiếng nhạc không lời. Tôi viết nhạc không lời chẳng qua là theo gót người đi trước từ nhiều thế kỷ. Trong môi trường Việt Nam thì điều này hãy còn xa lạ nên việc phổ biến rất khó khăn.

Nhiều người hỏi tôi: “Biết viết nhạc loại đó không sống được, tại sao ông cứ tiếp tục làm?”

Dường như Thượng Đế cho mỗi người sống trên đời để thực hiện một sứ mạng. Nhưng mình có hiểu sứ mạng đó hay không, và có làm đúng hay không. Tôi không biết. Tôi chỉ biết tôi viết loại nhạc này để:

2. Đưa tinh thần dân tộc qua nhạc Việt vào dòng nhạc thế giới bằng nhạc ngữ Tây phương.

Người trên thế giới cần hiểu nhau và phương tiện giúp người thông cảm nhau là ngôn ngữ. Âm nhạc là một thế giới ngữ. Để hiểu nhau người ta phải dùng ngôn ngữ chung. Do đó tôi dùng ngôn ngữ của loại nhạc không lời để giao lưu với giới nhạc không lời mà không bị ngôn ngữ loài người làm biên cương khóa kín. Để minh chứng điều này tôi xin trích một phần cuộc đối thoại của Tiến sĩ Dmytro Stepovyk và nhạc trưởng Alla Kulbaba. Dmytro là tiến sĩ Triết, tiến sĩ Thần học và tiến sĩ Nghệ thuật. Nhạc trưởng Alla Kulbaba là một nhạc trưởng chiếm giải thi nhạc trưởng quốc tế, hiện giũ chức vụ nhạc trưởng chính thức của National Opera of Ukraine, nhạc trưởng của Kyiv Symphony Orchestra, đã từng lưu diễn khắp thế giới, đã lưu diễn ở Hoa Kỳ 7 lần. Cuộc đối thoại có đoạn như sau:

Dmytro: Bà có nghĩ những quốc gia xa xôi, cụ thể là các quốc gia Á Rạp với nét nhạc riêng biệt của họ, Trung Hoa với những tuồng hát, và các nguồn văn hóa khác như Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Nhật Bản vân vân, có viễn ảnh nào cho thấy thế giới sẽ kết hợp trong khi các nền văn minh đang tiếp xúc nhau như hiện nay? Có thời điểm nào đó trong âm nhạc, người ta có thể tạo ra sự cộng sinh để thính giả Âu và Á có thể hiểu được cùng lúc chăng? Hay (nhạc) đó chỉ là sự chắp nối vá víu mà không đưa ra một sự xây dựng tích cực nào...?

Alla: Thưa ông, tôi nghĩ đây là thời điểm rõ rệt nhất khi các nền văn hóa truyền đạt với nhau và nó sẽ ghi đậm nhận thức của ta về các quốc gia mà ông vừa đề cập đến - những quốc gia Á Châu. Chúng ta có thể học được văn hóa của họ qua phương pháp tạo âm nhạc của Âu Châu. Tuy nhiên nếu chỉ có giai điệu quốc gia thôi sẽ không dễ hiểu cho người thuộc các quốc gia Âu Châu, nhưng nếu đó là một sự kết hợp thể loại, nhạc đề, hòa âm, dân nhạc và dân ca, sẽ làm cho chúng ta gần nhau hơn. Tôi tin rằng sự nhận thức và văn hóa sẽ kết hợp nhau sau đó.”

Nhạc trưởng Andrew Wailes của The Royal Melbourne Philharmonic Orchestra ở Úc cũng có nhận xét tương tự, sẽ được đề cập đến ở phần sau.

3. Với người đồng hương, tôi muốn chừng minh dân nhạc Việt có thể hòa vào giới nhạc bác học Tây phương và người Tây phương tiếp nhận dễ dàng nếu ta làm đúng.

Tôi xin trích thêm lời của nhạc trưởng Alla Kulbaba vì bà - cho đến nay - là người chơi nhạc của tôi nhiều hơn bất cứ nhạc trưởng nào. Bà phát biểu trước mặt mọi người trong bữa tiệc chia tay sau loạt thu thanh với Kyiv Symphony Orchestra and Chorus: “Nhạc của ông Lê Văn Khoa là mật ngọt rót vào tâm hồn nhạc sĩ Ukraine.” Rõ ràng giới nhạc giao hưởng từ nôi âm nhạc cổ điển Tây Phương hiểu được nhạc Việt dễ dàng. Chẳng những hiểu mà họ rất thích thú với nét nhạc xa lạ từ một phương trời khác biệt.

O.C. Register số ra ngày 5 tháng Sáu năm 1995, trọg mục News and Reviews chạy hàng chữ tựa lớn và dài “East, West Techniques Blend Skilfully in “75”. Ca ngợi Symphony “Việt Nam 1975” của Lê Văn Khoa, trong đó có đê cập đến việỉc dùng dân nhạỉc Việt Nam như sau:”Dù tác phẩm của Lê Văn Khoa không được trình diễn toàn vẹn, ba trích đoạn đã cho thấy tầm mức rộng lớn và xúc cảm sâu đậm của ông. Ông hòa hợp dân ca Việt Nam với kỹ thuật giao hưởng Tây phương thật điệu nghệ để vẽ lên sự thanh tịnh bị phá vỡ. Chất liệu căn bản là nhạc ngũ cung, giai điệu rộng, những câu nhạc viết cho violin uốn lượn sắc xảo, tiết nhịp sôi động. . . .Giàn nhạc dưới quyền điều khiển của nhạc trưởng Edward Cumming đã trình diễn thật nồng ấm và dầy xúc cảm”

Nhạc trưởng Andrew Wailes của The Royal Melbourne Philharmonic Orchestra ở Úc có lời nhận xét trong chương trình phát thanh bằng tiếng Anh của đài phát thanh quốc gia Hoàng gia Úc sau buổi trình diễn tác phẩm Symphony “Việt Nam 1975” của tôi, một tác phẩm trích dùng nhiều dân ca và viết theo âm hưởng dân nhạc Việt, như sau: “Đây là một tác phẩm rất hay. Như những tác phẩm giao hưởng lớn, nó kể một câu chuyện thật đẹp. Đây là nhạc về con người thật, về một quốc gia thật và thời điểm thật. Bắt đầu từ những bài dân nhạc diễn tả một quốc gia thanh bình, hào hùng, rồi bị cộng sản xâm chiếm. Nhạc chuyển lần sang âm thanh rất mới diễn tả sự bất an, đầy bối rối. Người ta chia tay nhau ra đi đến đất nước mới để tìm tự do. Trong hành âm cuối “Ca Ngợi Tự Do”, nhạc dàn ra một bài ca thật hay. Nhạc thật lộng lẫy, đồ sộ. Thật vĩ đại…

Nhạc rất hay, rất sắc xảo, tinh vi, có những đoạn thật mong manh, chúng tôi phải hết sức cẩn thận để không đàn quá mức vì sợ phá vỡ không khí êm ả của nhạc.

Âm nhạc là một ngôn ngữ quốc tế. Là một nhạc sĩ tôi đã đi qua Đức, Âu châu, Á châu và tôi chỉ dùng ngôn ngữ của âm nhạc, cho nên tôi nghĩ rất cần thiết để đưa Đông qua Tây và Tây qua Đông bằng âm nhạc, để chia sẻ tâm tình giữa các giống người trên địa cầu.” Đó là những lời chứng minh người Tây phương hiểu được nhạc Việt dễ dàng. Tôi đi xa hơn, trong một CD sắp phát hành, quý vị sẽ nghe dân ca Việt Nam được trình diễn bằng đàn bandura, một nhạc cụ cổ truyền Ukraine, được hỗ trợ bằng thềm nhạc giao hưởng Tây Phương. Một sự kết hợp lạ lùng chưa từng có trong lịch sử âm nhạc thé giói. Nếu việc làm này được tiếp tuc đều đặn thì trong tương lai mọi người yêu nhạc trên thế giới đều có thể đàn nhạc Việt dù họ sử dụng nhạc cụ mới hay nhạc cụ cổ truyền của dân tộc họ.







MEMORIES là gì?

Ai cũng biết Memory là kỷ niệm và Memories là nhiều kỷ niệm. Con người thường sống trong kỷ niệm và cả sống cho kỷ niệm. Những kỷ niệm vui, buồn đều được ghi nhớ dưới nhiều hình thức. Tôi cũng như mọi người, có nhiều kỷ niệm trong đời. Tôi ghi lại dưới nhiều hình thức khác nhau mà âm nhạc là một. Tôi muốn chia sẻ kỷ niệm của mình. Tôi thỉnh mời quý vị cùng góp kỷ niệm với tôi qua âm nhạc. Trong nhạc, tôi gợi ý, quý vị tô vẽ thêm cho phù hợp với kỷ niệm của riêng mình. Vì vậy tôi viết nhạc không lời để quý vị trao gửi trọn vẹn nỗi nhớ của mình theo âm thanh mà không bị lời ca làm sai lạc ý nghĩ của mình. Vì không lời cho nên người Việt, Mỹ, Pháp, Trung Hoa, Đại Hàn hay bất cứ một người dân nước nào dùng cùng ngôn ngữ âm nhạc này đều có thể cảm thông được. Sự cảm thông với âm thanh dễ hơn với nốt nhạc bất động vì nhờ có người diễn dịch thay mình. Người đó là nhạc sĩ trình diễn.

Tôi xin trích lời của giáo sư vĩ cầm Svyatoslava Semchuck của Nhạc viện Quốc Gia Tchaikowsky ở thủ đô Kyiv, Ukraine, người đã trình tấu hai nhạc phẩm violin trong CD Memories, bài Nocturne và Romance cho violin và dàn nhạc. Cô nói: “Nhạc của Lê Văn Khoa có xúc cảm cao độ và đúng là nhạc lãng mạn... Một nhạc sĩ - một nhạc sĩ đích thực - có thể cảm được trong tâm hồn mình tình yêu mà nhà soạn nhạc trang trải trên trang giấy.” Cô Svyatoslava đã cảm được trong tâm hồn cô tình yêu mà Lê Văn Khoa trang trải trên trang giấy nên cô đã diễn tả xuất thần hai nhạc phẩm Nocturne và Romance trong CD Memories này.

Về hai tác phẩm vừa đề cập đến, ông William Benner, cựu nhạc sĩ độc tấu violin của NBC Symphony Orchestra ở San Francisco, đã phát biểu: “Cả hai nhạc phẩm đều đạt mức tột đỉnh của sự xúc cảm trong lòng người.”

Những lời nhận xét trên cho thấy rõ người không phải Việt Nam thông cảm được dễ dàng nỗi lòng của một người Việt qua bài nhạc không lời.

Hai tác phẩm này đều có trong CD Memories. Nhưng CD Memories không phải chỉ có bai bài nhạc. Chỉ riêng bài cuối, bài số 10 có tên là Memory, mỗi người nghe đều có một nhận xét riêng.

Một ông chỉ nghe bài Memory đã thốt lên: “Bài nay đã đem cả khung trời Sài Gòn về với tôi.” Bài nhạc này kéo trí nhớ của ông về dĩ vãng.

Như nhà văn Phạm Xuân Đài phát biểu lúc nảy: “Ôn lại kỷ niệm cũng có nghĩa là phóng vào tương lai.” Một nữ thính giả, tôi xin tạm giấu tên, viết: “Tôi nghe đi nghe lại bài Memory và nghiệm ra được rằng: một mai khi tôi lìa xa cõi tạm này, tôi xin được chọn bài Memory để tiễn đưa thân xác trở về với tro bụi. . . Bài Memory là hành trang tôi sẽ đem theo khi về cõi vĩnh hằng!” Cô chuẩn bị tương lai khi nghe bài số 10 trong CD, bài Memory

CD Memories khơi lại kỷ niệm không phải cho người lớn thôi mà cho cả trẻ em nữa. Hai bé Nghi và Thụy mỗi lần lên xe hơi là yêu cầu bố hay mẹ mở bài Lý Ngựa Ô trong CD Memories và chỉ nghe một bài đó thôi, nghe qua nghe lại mãi, không cho ai đổi qua bài khác. Hai em nói hai em thích vì bài đó hay. Nhưng mẹ hai em cho biết lý do hai em thích Lý Ngựa Ô rất đơn giản: “Hồi nhỏ ba em dùng bài dân ca đó làm bài ca ru cho hai em ngủ.” Như vậy kỷ niệm đã trở lại đầy ấp tâm hồn trẻ thơ và tình yêu cha mẹ cũng theo đó mà gắn bó với hai em hơn. (Thật đáng phục người cha đã gieo dân nhạc vào giấc mộng trẻ thơ rất sớm. Nó sẽ ở lại với các em mãi mãi.)

Người lớn chắc chắn có nhiều kỷ niệm hấp dẫn và cả cay đắng hơn. Dù là kỷ niệm vui hay buồn, mỗi lần nhắc lại không khỏi gây cho ta bồi hồi xúc động. Nó cho ta một chút ngậm ngùi, một vị đắng dâng lên trên vành môi, và đôi giọt lệ âm thầm lăn vòng khóe mắt.

Kỷ niệm là vô giá. Chúng sẽ theo ta cho đến cuối đời.

Giờ đây tôi xin mời quý vị gọi kỷ niệm về với ta qua tiếng nhạc của CD MEMORIES này và hãy để âm nhạc ve vuốt tâm hồn ta.



Lê Văn Khoa


Mục Lục | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com